Hóa học là một bộ môn khoa học có khối lượng lớn kiến thức cả về thực nghiệm lẫn lý thuyết. Để học tốt môn Hóa học cần nắm vững bản chất hiện tượng hóa học, nắm vững các kiến thức cơ bản đã được học, vận dụng tối ưu các kiến thức cơ bản để giải quyết một hay nhiều vấn đề mới.
I. Học các vấn đề lý thuyết của hóa học
- Cần nắm định nghĩa, khái niệm, quan trọng hơn là phải hiểu được bản chất của vấn đề, biết cách vận dụng được các khái niệm - định luật trên.
II. Bài học về các chất
1. Cách học từng bài về chất
- Danh pháp: Nắm được cách gọi tên các chất (một chất có thể nhiều cách gọi tên: Tên thông thường, tên quốc tế).
+ Cách gọi tên thông thường: Được gọi theo tên nguồn gốc, hay tên địa phương,...
+ Cách gọi tên thay thế: Được gọi theo hệ thống tên gọi IUPAC
- Tính chất vật lí: Thông thường ta chu ý nhớ trạng thái (rắn, lỏng, khí), màu sắc, tính tan, mùi, vị, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, …
- Cấu tạo: Biết được đặc điểm cấu tạo của từng loại chất, liên kết trong phân tử của nó. Để từ đó hình thành nên tính chất hóa học của chất đó.
- Tính chất hóa học
+ Dựa vào đặc điểm cấu tạo để suy ra các tính chất cơ bản. Từ tính chất hóa học của chất tiêu biểu, từ đó khái quát lên thành tính chất chung cho loại chất đó. Ví dụ tính chất hóa học của Na có tính khử rất mạnh thì chúng ta khái quát lên thành tính chất hóa học chung của kim loại kiềm là có tính khử rất mạnh.
+ Với những chất tiêu biểu, khi học tính chất hóa học ta cần nhớ kĩ loại chất đó có thể cho những loại phản ứng nào, tác dụng được với các loại chất nào. Ví dụ clo tác dụng với kim loại và hidro thể hiện tính oxi hóa thì các phi kim nói chung đề có tính oxi hóa khi tác dụng với kim loại và hidro.
- Điều chế
+ Nắm được phương pháp chung điều chế các loại hợp chất. Với mỗi loại hợp chất cụ thể, ngoài các phương pháp chung, nó còn có những phương pháp riêng nào để điều chế.
+ Phải nhớ được tên nguyên liệu điều chế các chất và viết phương trình hóa học đó.
- Ứng dụng: nhớ các ứng dụng của mỗi hợp chất, liên hệ với đời sống.
* Lưu ý: Hóa học là môn học thực nghiệm nên trong quá trình học ở lớp. Các bạn nên trực tiếp tham gia vào làm các thí nghiệm biểu diễn trên lớp hoặc các thí nghiệm được tiến hành trong giờ thực hành tại phòng bộ môn, hoặc chí ít các bạn cũng nên chăm chú theo dõi các thí nghiệm đó sẽ kích thích tư duy của các bạn nhiều hơn và giúp các bạn hứng thú hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức môn học này.
III/ Bài tập hóa học
1. Các bài tập vận dụng
Để làm tốt phần này, học sinh cần nắm vững hóa tính - điều chế, kết hợp với cấu tạo, lí tính, chú ý các hiện tượng hóa học xảy ra.
- Viết phương trình hóa học: Bạn phải nắm vững phần tính chất hóa học của chất và từ đó cho biết loại chất hóa học đó có thể tác dụng được với những tác chất nào. Lưu ý điều kiện phản ứng rất quan trọng vì hai chất hóa học phản ứng với nhau mà điều kiện khác nhau sẽ cho ra sản phẩm khác nhau mà đặc biệt là hóa học hữu cơ.
- Chuỗi phản ứng: Nắm vững cả tính chất hóa học và điều chế, mối quan hệ giữa các chất, sự biến đổi qua lại giữa các chất,…Mỗi biến hóa chỉ được viết một phương trình hóa học. Nhớ cân bằng và ghi rõ điều kiện nếu có.
- Nhận biết hóa chất: Nắm được thuốc thử cần dùng thông thường các em hay nhầm lẫn giữa nhận biết các hóa chất và phương trình hóa học.
+ Nhận biết hóa chất cần biết: Phản ứng hóa học đó phải dễ xảy ra, đặc trưng và đặc biệt là có hiện tượng rõ ràng.
+ Có 4 bước để nhận biết một hóa chất:
Bước 1: Chọn thuốc thử.
Bước 2: Tiến hành thí nghiệm
Bước 3: Quan sát hiện tượng
Bước 4: Nhận xét và viết phương trình hóa học.
- Nêu hiện tượng và viết phương trình hóa học: Đây cũng là dạng của bài tập nhận biết. Tuy nhiên, nó đơn giản hơn vì chỉ có một hóa chất thôi. Nên các bạn cần lưu ý sự tạo kết tủa – bay hơi hay sự thay đổi màu sắc, mùi, …
- So sánh cấu tạo và tính chất hóa học
+ Khi trình bày dạng này các bạn nên kẻ làm 2 cột một bên chất này và bên chất kia.
+ Giống nhau: Về cấu tạo có sự giống nhau nào giữa 2 chất này từ đó có những tính chất hóa học nào giống nhau. Các bạn nên viết phương trình hóa học để chứng minh.
+ Khác nhau: Về cấu tạo có sự khác nhau nào giữa 2 chất trên, từ đó có những khác nhau nào về tính chất hóa học và viết phương trình hóa học để chứng minh.
2. Giải bài toán hóa học
- Đối với dạng bài tập chỉ có 1 chất: Nắm vững được lý thuyết, viết được phương trình hóa học, có thể giải theo số mol và số mol, số mol và khối lượng hoặc khối lượng và khối lượng.
- Đối với dạng bài tập hỗn hợp:
+ Thông thường các bạn viết phương trình hóa học rồi xem xét xem các chát đó có cùng phản ứng hay không? Nếu không thì giống với dạng bài tập ở trên. Nếu có thì các bạn có thể đặt ẩn số và lập hệ phương trình để giải.
+ Hiện nay, đối với loại bài tập này, các bạn có thể sử dụng các thủ thuật tính toán (phương pháp trung bình, ghép ẩn,…) áp dụng các định luật cơ bản của hóa học (định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn điện tích, …) để giải quyết vấn đề được nhanh chóng và thuận tiện. Đối với môn Hóa học chúng ta hiện nay, trong các kì thi thường sử dụng hình thức trắc nghiệm để đánh giá chất lượng học sinh nên các bạn có thể áp dụng một số phương pháp giải nhanh như công thức tính nhanh,… để tìm được kết quả được nhanh nhất và chính xác.
Do giới hạn về nội dung của chương trình nên chúng tôi không thể trình bày cụ thể từng phương pháp được. Rất mong các bạn thông cảm và đón đọc các nội dung tiếp theo.
Nguồn: daykemtainha.info